Đảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban NguyễnĐảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban Nguyễn
Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5
Thác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang VũThác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang Vũ
Tiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế ĐứcTiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế Đức
Lợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn BanLợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn Ban
Hoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh TrungHoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh Trung
Nét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy ĐằngNét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy Đằng

Ðộc đáo Tết Khỉ


Ngày đăng: 03-02-2021

Vào những ngày cuối năm, khi ruộng rẫy đã thu hoạch xong, kho lúa đã đầy, người Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plông lại tất bật chuẩn bị đón lễ hội lớn nhất trong năm– Tết Khỉ. Cũng giống như Tết Nguyên đán, Tết Khỉ đối với người Ca Dong đánh dấu một năm cũ qua đi, năm mới đã đến cùng những ước nguyện tốt lành.

Với mong muốn tìm hiểu về Tết Khỉ, tôi vượt hơn trăm cây số để đến với người Ca Dong ở làng Măng Lây, thôn Vắc Y Nhông, xã Đăk Ring - nơi bà con còn lưu giữ và kế thừa truyền thống tốt đẹp phong tục này qua bao đời nay.

Năm nay, vào ngày 3/12 (âm lịch), làng Măng Lây tổ chức Tết Khỉ. Trong tiết trời giá buốt, sương mù bao phủ núi rừng, dân làng Măng Lây quây quần bên bếp lửa hồng tí tách. Với giọng trầm đục, già A Tóc đưa tôi vào câu chuyện của người Ca Dong. Rằng, chẳng biết từ bao giờ, người Ca Dong ở đây đã coi loài khỉ như linh vật. Người xưa quan niệm, ở mỗi dãy núi, cánh rừng luôn có một Ông Khỉ  xua đi tai ương, vận rủi, gìn giữ từng cây lúa, hạt thóc để giúp mùa màng bà con bội thu, lương thực đủ đầy. Cũng vì thế mà vào mỗi thời điểm vụ mùa kết thúc, người Ca Dong luôn tổ chức một lễ cúng để tỏ lòng biết ơn, đồng thời gửi gắm kho thóc của mình để Ông Khỉ trông coi đến khi vụ mùa mới bắt đầu. Theo dòng thời gian, lễ cúng này đã trở thành Tết Khỉ trong đời sống của người Ca Dong.

 
 

Dựng cây nêu đón Tết Khỉ. Ảnh: T.T

Đối với người Ca Dong, Tết Khỉ không ấn định thời gian cụ thể hàng năm, mà được tổ chức khi dân làng thu hoạch xong vụ mùa. Cũng vì thế mà trong cộng đồng người Ca Dong, già làng có trách nhiệm quan sát, để ý, đôn đốc các gia đình vào mỗi vụ mùa thu hoạch xong phải chuẩn bị tổ chức Tết Khỉ. Sau khi tất cả gia đình hoàn tất việc thu hoạch, già làng tập trung tất cả mọi người tại nhà rông để quyết định thời điểm tổ chức Tết Khỉ trong năm. Đó cũng là lý do mà tại từng thôn, từng làng sẽ có thời điểm ăn mừng Tết Khỉ khác nhau, thông thường sẽ vào khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau (tính theo Dương lịch).

Theo già A Tóc, người Ca Dong luôn giữ phong tục này, bởi Tết Khỉ mang nhiều ý nghĩa, ăn sâu vào trong tiềm thức và đời sống tinh thần của người dân từ bao đời nay. Tùy vào từng địa phương, nghi lễ, hình thức trong Tết Khỉ có thể có biến tấu, thay đổi. Tuy nhiên, điều cốt lõi của phong tục này, vẫn là gửi tới Ông Khỉ những hạt lúa thơm ngon, cầu cho năm tới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người người, nhà nhà được no ấm...

Năm nay, để chuẩn bị đón Tết Khỉ, ngay từ những ngày đầu tháng 1, già A Tóc đã phân chia dân làng thành từng nhóm đảm nhiệm công việc cụ thể. Theo đó, một bộ phận thanh niên, đàn ông trong làng vào rừng, chặt lồ ô, nứa về làm máng nước mới cho Ca Dong làng; một bộ phận dọn dẹp vệ sinh tại đầu nguồn suối Nước Mang – nơi được chọn để dẫn nước về làng.

Già A Tóc kể về phong tục Tết Khỉ của người Ca Dong cho lớp trẻ. Ảnh: T.T

Cũng theo già A Tóc, việc làm máng nước rất quan trọng đối với người Ca Dong, bởi quan niệm, cũng giống như lửa, nước là biểu trưng cho sự sống. Nhờ có nước, bà con mới có mùa màng bội thu, có lúa, gạo để ăn… Mặc dù hiện nay, mỗi nhà đều có vòi nước riêng, việc làm máng nước chung về làng đã không còn là thiết yếu, nhưng dân làng vẫn duy trì hoạt động truyền thống và xem như một phần nghi lễ không thể thiếu để đón Tết Khỉ ở làng.

Phụ nữ trong làng tập trung lại vót lạt, tạo hình để treo lên cây nêu. Cây nêu đối với người Ca Dong có ý nghĩa tâm linh quan trọng. Già A Tóc trực tiếp vào rừng, lựa chọn những cây nứa, lồ ô có bề ngoài đẹp, rắn chắc, độ cao phù hợp để làm cây nêu cho ngày tổ chức Tết Khỉ.

 Công đoạn cạo vỏ cây nêu luôn là phần việc khó nhất. Vết cạo phải tạo thành những vòng cuộn dài, trông bắt mắt, đòi hỏi người có nhiều kinh nghiệm. Chính vì vậy, già A Tóc lại là người trực tiếp đảm nhận phần việc này.

Để tạo ra những vòng cuộn từ vỏ cây nêu theo ý, già A Tóc dùng chiếc rựa thật sắc, đồng thời tay phải khéo léo dùng lực vừa đủ để kéo lưỡi rựa, nhưng không làm vỏ đứt đoạn giữa chừng. Để hoàn thành một cây nêu, cần 4 -5 ngày. Người Ca Dong cho rằng, cây nêu càng có nhiều vòng cuộn thì sẽ càng đẹp và càng thể hiện được lòng thành đến với Ông Khỉ.

Già A Tóc cho biết: Ngoài việc chuẩn bị máng nước, cây nêu, trong Tết Khỉ của người Ca Dong nơi đây, nhất thiết không thể thiếu heo hoặc gà để cúng. Năm nào bà con được mùa, ấm no, có của ăn, của để dành, cả làng sẽ tổ chức cúng heo, còn nếu khó khăn, mất mùa sẽ chọn gà để cúng. Năm nay, làng được mùa, cả làng góp tiền mua heo lớn về cúng. Trong lời khấn, mình cầu mong Ông Khỉ phù hộ cho mùa màng bội thu, giữ lại vận may cho làng.

Dân làng Măng Lây làm máng nước. Ảnh: T.T

Tết Khỉ của người Ca Dong tại làng Măng Lây diễn ra trong 2 ngày. Ngày đầu tiên, cả làng sẽ tập trung tại cây nêu được đặt gần máng nước để cúng Ông Khỉ. Mâm cúng, ngoài thịt heo, không thể thiếu bánh ốc, bánh ú (loại bánh nếp được gói bằng lá dong, lá chuối của người Ca Dong) được bày biện tươm tất. Sau khi đọc bài cúng trước bàn tế, già A Tóc lấy máu con heo đã cúng để bôi lên cây nêu và nhỏ vào máng nước của làng để kết thúc nghi lễ. Sau cùng, bà con trở về nhà, mang theo một phần thịt heo và lấy nước từ máng về để nấu ăn, sinh hoạt. Trở về nhà, mỗi gia đình sẽ tiếp tục cúng riêng một lần nữa.

Ngày thứ hai, theo phong tục, mỗi gia đình sẽ cử ít nhất một đại diện, tập trung lại thành đoàn đi đến từng nhà, thăm hỏi và gửi những lời chúc tốt đẹp. Nhà đầu tiên được ghé thăm phải là nhà già làng, sau đó mới lần lượt đến tất cả các nhà khác. Vào ngày này, gia chủ phải chuẩn bị rượu ghè trong nhà, cùng một chiếc bát để ngửa mong chờ khách đến. Khách đến thăm nhà phải uống hết rượu trong bát, sau đó úp ngược lại và gửi lời chúc đến  gia chủ. Điều này tượng trưng cho mọi xui xẻo, vận rủi trong năm cũ được úp lại trong chiếc bát đó, thay vào đó, chủ nhà sẽ gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới. 

Chuyến trải nghiệm về Tết Khỉ của người Ca Dong ở làng Măng Lây thật sự để lại trong tôi những ấn tượng khó quên.

Tất Thành

Nguồn: Báo Kon Tum online

VĂN HÓA LIÊN QUAN

Chùm ảnh: “Giữ hồn” nhà rông truyền thống

Đối với cộng đồng người Gié-Triêng lại làng Đăk Wâk (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei), nhà rông được xem như “linh hồn” và “trái tim” của làng.

Chùm ảnh: Ấn tượng Lễ Kra cơ maar của người Xơ Đăng

Lễ Kra cơ maar (Cầu an) của người Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng) ở làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) được tổ chức để cầu xin thần linh (Yàng) mang lại may mắn, khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu; đồng thời xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo, tai họa ra khỏi làng. Đây là dịp các thành viên trong cộng đồng đoàn tụ, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, xóa bỏ hiềm khích, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Lễ cúng trỉa lúa của người Brâu

Xuất phát từ yếu tố mùa vụ và tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, cộng đồng người Brâu đã hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo. Trong đó, lễ cúng trỉa lúa là một hoạt động dân gian tiêu biểu, phản ánh những ước mong, hy vọng của bà con về một mùa vụ bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Chùm ảnh: Độc đáo Lễ hội Cha Kchiah

Cha Kchiah (còn gọi là Lễ hội ăn than) là một trong những lễ hội truyền thống rất đặc sắc của người Giẻ - Triêng. Cha Kchiah được cộng đồng làng tổ chức ăn mừng sau mùa thu hoạch, để tạ ơn thần và cũng là dịp chuẩn bị các dụng cụ lao động sản xuất để bước vào vụ mùa sản xuất mới.