ĐÓN TẾT CON DÚI NĂM NAY
Năm nay, bà con làng Kon Brắp Du tổ chức Tết con Dúi bắt đầu từ ngày 09 đến 11/10, muộn hơn các năm nhưng rơi vào thứ Bảy và Chủ Nhật, cũng là dịp để con em trong làng đi làm xa về và thuận tiện cho du khách các nơi về tham dự, tìm hiểu tết truyền thống của người Ba Na Giơ Lâng.
Đi qua cầu treo (dài 160m) để đến làng Kon Brăp Du
Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất của người Giơ Lâng, tiếng Ba Na gọi là Et Đing Dieng hay Et Đông nghĩa là lễ hội ăn con Dúi và mọi người tham dự lễ được dân làng mời ăn thịt dúi để lấy lộc, chúc phúc, cầu may cho nhau. Là một lễ thức của dân, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, mọi kho lúa đều đầy, mọi gia đình được ấm no, hạnh phúc và cũng là dịp mời tổ tiên về thăm con cháu, đồng thời thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng làng, đặc biệt chỉ sau khi ăn tết xong, người Ba Na Giơ Lâng mới được phép triển khai những công việc lớn của gia đình và cộng đồng như làm nhà mới, sửa chữa nhà, làm kho lúa, cưới hỏi, mua trâu, bò…
Nhà Rông Ba Na Giơ Lâng, trái tim của làng
Người Giơ Lâng (Y Lăng) là một nhánh của dân tộc Ba Na, sống tập trung chủ yếu ở xã Tân Lập và xã Đăk T’re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Theo những người già trong làng cho biết: làng định cư ở đây từ trước thế kỷ 19, nguồn gốc xa xưa là ở vùng đất An Khê (tỉnh Gia Lai), lúc ấy vì mâu thuẫn trong làng, một số người đã bỏ làng đi và tìm đến vùng đất bằng phẳng này. Trước kia vùng đất này rất màu mỡ, có nhiều cây chuối rừng và họ đặt tên là Kon Brắp Du, theo tiếng Ba Na, Kon là Làng, Brắp là tên của nữ nữ tộc trưởng đã quyết định dừng chân nơi này và Du là cây chuối.
Ngày xưa người Ba Na Giơ Lâng thờ Thần Rắn, nhưng về sau thấy hình tượng rắn quá hung dữ, có lúc rất no, có khi rất đói, không có nguồn thức ăn thường xuyên, ổn định. Trong khi đó, thức ăn của Dúi lại rất đa dạng, nó có thể ăn rễ tre, rễ cỏ và bất cứ hoa quả nào gặp được, nên quanh năm suốt tháng, chẳng bao giờ Dúi sợ thiếu thức ăn. Loài Dúi lại không phá hoại mùa màng của người dân như lũ chuột đồng nên mọi người càng kính trọng và họ đã chuyển sang thờ thần Dúi và xem Dúi là con vật thiêng, biểu tượng của sự cần cù, siêng năng và no ấm.
Hàng năm, cứ vào những ngày đầu tháng mười dương lịch, khi cây lúa bắt đầu trổ bông, ngậm hạt, bà con tổ chức lễ hội Et Đông. Tùy theo khả năng của từng gia đình, lễ vật của nghi lễ này có thể nhiều hay ít; tuy nhiên không thể thiếu Dúi và một ghè rượu thật ngon. Sau khi ngày Et Đông được ấn định bởi hội đồng già làng, mỗi gia đình khi đi rừng hay lên rẫy đều chú ý tìm cho được ít nhất một con Dúi. Dúi mang về làm sạch, bỏ ruột sau đó ướp muối rồi luộc chín và treo trên giàn bếp để dành.
Dúi được đưa lên làm lễ tại giàn thiêng ở vị trí trung tâm nhà Rông
Mặc dù Et Đông chỉ diễn ra có hai ngày đêm chính thức (thứ bảy và chủ nhật) nhưng mọi gia đình đều khẩn trương chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Mọi thứ được chuẩn bị công phu và cẩn thận. Một số trai trẻ được già làng phân công vào rừng chặt le về làm cây Nêu trước nhà Rông và dựng ở cổng làng để đón chào khách. Điểm đặc biệt của những cây nêu trong ngày lễ Et Đông là biểu tượng của bông lúa được những nghệ nhân thể hiện hết sức sinh động. Họ dùng dao nạo lớp vỏ của cây le tạo thành những sợi dài tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở của cây lúa, loại thức ăn nuôi sống con người từ bao đời nay. Trước đây trong các dịp lễ hội Et Đông, có rất nhiều cặp đôi trẻ nên duyên vợ chồng, họ tìm hiểu nhau và không có chàng trai nào từ chối một lời câu hôn. Sau lễ Et Đông là họ làm đám cưới luôn và được cả làng chúc phúc, già làng làm chủ hôn.
Các gia đình thực hiện nghi thức cột dây chỉ
Vào những ngày này, nếu ai đó có dịp ghé thăm làng Kon Brắp Ju thấy trước cổng làng có cắm cây nêu, điều đó có nghĩa trong làng đang tổ chức lễ hội Et Đông.
Làng Kon Brắp Du (thôn 6), xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, cách thành phố Kon Tum khoảng 30km về phía Đông Bắc. Nếu du khách từ phương xa muốn tham dự Tết Et Đông, khám phá văn hoá của người Ba Na Giơ Lâng thì đến Kon Tum trước một đêm, nghỉ ngơi và sáng hôm sau bắt đầu cho một lộ trình trải nghiệm với lễ hội Et Đông. Từ thành phố Kon Tum đến làng Kon Brắp Du mất khoảng 30 phút bằng xe ô tô và đi bộ trên chiếc cầu treo bắc qua sông Đăk PNe để đến làng, giữa làng là nhà Rông nguyên bản, truyền thống của người Ba Na Giơ Lâng to đẹp nhất vùng.