..
Đảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban NguyễnĐảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban Nguyễn
Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5
Thác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang VũThác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang Vũ
Tiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế ĐứcTiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế Đức
Lợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn BanLợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn Ban
Hoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh TrungHoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh Trung
Nét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy ĐằngNét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy Đằng

Đặc sắc ẩm thực của đồng bào các DTTS ở Đăk Hà


Ngày đăng: 08-07-2022

Là người am hiểu sâu sắc về văn hóa ẩm thực đồng bào DTTS Tây Nguyên, Nghệ sĩ ưu tú A Đủ chia sẻ: Với người Ba Na, các món ẩm thực như đọt mây trộn lá môn, thịt chuột nấu lá mì, lá sung cuốn kiến chua rang khô, trứng kiến nấu lá rừng, cơm lam... được dùng trong các dịp lễ hội trọng đại của dân làng. Từ lá mì, người Ba Na có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như: canh lá mì, lá mì xào cà đắng, lá mì xào thịt heo, lá mì nấu đọt mây rừng, lá mì luột chấm muối ớt… Tuy nhiên, lá mì xào ngọn đu đủ vẫn là món dân làng hay nấu nhất. Ngoài ra còn có các món thịt nướng ống lồ ô, nướng xâu; xương nấu với rau bèo (trai); lòng nấu với môn đá (thuk) và thân chuối non.

Trong khi đó, món ăn của người Xơ Đăng gồm có rau dớn, tôm, cua, cá suối, măng chua, thịt dúi, thịt heo, gà nướng hoặc gác bếp, dế nướng, dế chiên mắm, chuột gác bếp hoặc nướng than. Với các loại rau rừng, có món rau dớn luột hoặc xào với tỏi, thịt bò; cá suối nướng hoặc xào với quả cà đắng, lá môn, đọt mây, măng le rừng. Người dân thường sử dụng các vật dụng như ống tre, nứa, bương, vầu, lá chuối, bếp than củi để nấu các món ăn. Việc chế biến món ăn gần như chỉ dựa vào kinh nghiệm, phong tục truyền thống hay sự chỉ dạy trực tiếp từ gia đình. Thức uống phổ biến nhất của đồng bào DTTS Đăk Hà là rượu cần. Nguyên liệu dùng làm rượu thường được sử dụng là củ mì, hạt kê, gạo tẻ, gạo nếp, bắp…

Phong phú và đa dạng các món ẩm thực của người dân Đăk Hà. Ảnh: QĐ

Ông Trần Anh Dũng - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Hà cho biết: Ngoài 2 thành phần DTTS tại chỗ nêu trên, sau khi đất nước thống nhất 1975, các DTTS miền núi phía Bắc di cư vào sinh sống và lập nghiệp ở huyện Đăk Hà rất nhiều và họ cũng có những món ẩm thực khá đặc sắc.

Đáng chú ý là món bánh giò của dân tộc Tày, Nùng. Người dân dùng gạo nếp ngâm vào nước lọc từ tro bếp (tro bếp đốt từ vỏ quả đậu đen là tốt nhất); ngâm khoảng 10 tiếng, sau đó đem rửa sạch, để ráo nước. Bánh giò muốn được thơm, ngon, phải gói bằng lá đót. Sau đó luộc tầm 10 tiếng, khi bánh chín vớt ra để nguội. Bánh chín dẻo, mềm, thơm, không còn thấy hạt gạo, để nguội, khi ăn chấm kèm mật mía. Đặc biệt, bánh ú của dân tộc Thái được gói nhọn như sừng bò, có nơi gọi là bánh sừng bò (cách nấu giống bánh chưng).

Tại xã Đăk Ngọk, có món xôi ngũ sắc của người Tày, Nùng; đặc biệt ở phần tạo màu tự nhiên, bằng một loại cây rừng có tên lá cẩm và kỹ thuật đồ xôi trong chõ. Xôi tím ngon phải được làm từ loại nếp nương được trỉa trên đồi cao, hạt to. Cây lá cẩm có 4 loại với các đặc điểm khác nhau, bao gồm: Cây lá cẩm tím còn được gọi là chằm lai; cây lá cẩm đỏ được gọi là chằm thủ; cây lá cẩm tím đậm (cẩm Huế) còn có tên là chằm khâu; cây lá cẩm vàng còn gọi là “chằm hiên”. Đối với người Tày, người Nùng, lá cẩm không chỉ đơn thuần dùng để chế biến thức ăn, tạo màu sắc đẹp, bắt mắt cho món xôi tím, mà còn được biết đến là một loại cây thuốc có tính mát, tác dụng chữa các bệnh như ho, viêm phế quản, nhiều đờm.

Trước khi đồ xôi, người đầu bếp phải ngâm gạo, đãi sạch, đồng thời đun sôi nước lá cẩm cho đến khi nước sánh lại, thành màu tím tươi. Chờ nước nguội, thì cho gạo nếp vào ngâm khoảng 10 tiếng để hạt gạo thấm đều màu tím, rồi vớt ra để ráo nước mới đổ vào chõ nấu xôi đặt trên bếp lửa. Xôi có màu đậm hay nhạt, phụ thuộc vào nước lá cẩm đặc hay loãng và kinh nghiệm đồ xôi của mỗi người. Để hương vị xôi tím thêm thơm ngon, chõ đồ xôi phải sạch sẽ và phải luôn giữ ngọn lửa đều, than hồng cho đến khi xôi chín đều.

Trước đây, người Tày, người Nùng hay người Thái di cư vào Tây Nguyên hầu như ai cũng mang theo hạt giống các loại rau, gia vị quê hương Tây Bắc vào trồng để chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc. Phụ nữ thì mang theo bộ trang phục truyền thống, khăn piêu. Vì vậy, những ngày hội, ngày lễ lớn phụ nữ Tày, Nùng, Thái, cư dân cùng nhau chuẩn bị những món ăn truyền thống đãi khách.

Dù xa quê nhiều năm, nhưng người Tày, Nùng ở Đăk Ngọk vẫn gìn giữ trang phục áo cóm, váy đen, khăn piêu; giữ điệu múa sạp, múa cộng đồng, ném còn, đập niêu; giữ những món ăn truyền thống như xôi tím, thịt heo gác bếp, rượu nếp. Vào dịp đầu xuân thì là lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) với đàn tính, hát then mang theo từ Cao Bằng, Bắc Kạn, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc cũng như văn hóa ẩm thực của đồng bào DTTS Tây Nguyên.

Nguồn: Quang Định – Báo Kon Tum Online.

 

VĂN HÓA LIÊN QUAN

Chùm ảnh: “Giữ hồn” nhà rông truyền thống

Đối với cộng đồng người Gié-Triêng lại làng Đăk Wâk (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei), nhà rông được xem như “linh hồn” và “trái tim” của làng.

Chùm ảnh: Ấn tượng Lễ Kra cơ maar của người Xơ Đăng

Lễ Kra cơ maar (Cầu an) của người Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng) ở làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) được tổ chức để cầu xin thần linh (Yàng) mang lại may mắn, khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu; đồng thời xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo, tai họa ra khỏi làng. Đây là dịp các thành viên trong cộng đồng đoàn tụ, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, xóa bỏ hiềm khích, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Lễ cúng trỉa lúa của người Brâu

Xuất phát từ yếu tố mùa vụ và tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, cộng đồng người Brâu đã hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo. Trong đó, lễ cúng trỉa lúa là một hoạt động dân gian tiêu biểu, phản ánh những ước mong, hy vọng của bà con về một mùa vụ bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Chùm ảnh: Độc đáo Lễ hội Cha Kchiah

Cha Kchiah (còn gọi là Lễ hội ăn than) là một trong những lễ hội truyền thống rất đặc sắc của người Giẻ - Triêng. Cha Kchiah được cộng đồng làng tổ chức ăn mừng sau mùa thu hoạch, để tạ ơn thần và cũng là dịp chuẩn bị các dụng cụ lao động sản xuất để bước vào vụ mùa sản xuất mới.