Bầu, bí trong đời sống đồng bào Tây Nguyên
Bầu, bí được trồng phổ biến trên nương rẫy của hầu hết các dân tộc đang sinh sống ở núi rừng Trường Sơn-Tây Nguyên. Cây bầu, bí được trồng khá đơn giản, bà con tra hạt bầu vào mùa tỉa lúa và cây cứ mọc lan ra dưới đất. Từ khi mọc cho đến khi có quả già thường mất 3-5 tháng.
Đây là món thường có trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Loại cây này dễ tính, hầu như gia đình nào cũng trồng nên vào mùa thu hoạch, đồng bào thường cất giữ ở chòi rẫy, trong kho lúa hoặc gùi mang về nhà nấu ăn dần. Bầu, bí dùng để nấu canh, xào hoặc luộc ăn với cơm.
Trong văn hóa ẩm thực, quả bí ngô (bí đỏ), bí đao (bí xanh) được dùng để chế biến thành món ăn ngon, bắt mắt hơn. Những quả bí lớn được khoét đi phần ruột rồi nhồi thịt, cá vào để nấu. Quả bí to vừa là món ăn vừa biến thành cái khay, cái mâm với trang trí, tạo hình đẹp mắt để sắp đặt các món ăn đã chế biến. Vị ngọt, sắc màu, tạo hình của quả bí làm tăng hương vị, hấp dẫn cho món ăn dân gian trong các lễ hội.
Quả bầu dùng trong nghi lễ của dân tộc Giẻ-Triêng. Ảnh: Tấn Vịnh
Đến mùa cây ra quả nhiều, gia đình ăn không hết nên chia phần bớt cho người khác. Người qua đường, thấy rẫy bí nhiều quả thì xin gia chủ hái một vài quả. Nếu chủ rẫy vắng mặt thì cứ hái nhưng phải làm dấu báo hiệu thông báo cho chủ rẫy biết là không phải hái trộm, bằng cách khá đơn giản là để lại vài quả bắp, quả cà... Khi thấy điều này, chủ rẫy tin rằng, đây là người quen hái để ăn, không phải là hái trộm để bán nên vui vẻ, thông cảm.
Làm rẫy thường chung bờ giậu. Rẫy chung bờ, hai chủ rẫy quy định ngầm: Bầu bí bên nhà này bò sang bờ rào nhà bên kia, ra hoa đậu quả thì chủ rẫy bên kia cứ hái mà dùng, không phải xin phép. Chủ rẫy hai bên cũng chia sẻ những hoa quả trồng được trong một vụ mùa. Họ sẵn sàng trao đổi với nhau bằng nhiều cách: đựng vào gùi mang tặng tại nhà, hái tặng tại rẫy hoặc tự hái một vài quả ở rẫy khi người chủ không có mặt tại đó.
Trong 2 loại quả thì quả bầu có phần đa dụng hơn. Bà con hái bầu về làm thực phẩm, quả ưng ý được dành lại đợi cho đến khi thật già, thật khô mới hái về bảo quản, chế tác thành công cụ phục vụ cuộc sống của con người. Người ta moi lấy hết phần ruột bầu mang phơi nắng rồi treo giàn bếp để bảo quản và tạo màu đen óng nhờ chúng bị ám khói quanh mình.
Quả bầu khô là sản vật hữu dụng làm nên nét đặc sắc của văn hóa tộc người. Ngoài việc được dùng để lấy và chứa nước, quả bầu khô còn là công cụ tiện dụng nhất đối với mỗi gia đình. Quả bầu nhỏ xinh xắn làm đồ chơi cho trẻ con, làm bát ăn cơm, đựng cháo chua. Quả bầu lớn dùng để đựng cơm đi rẫy, đựng gạo. Quả bầu có đeo theo 1 chiếc vòng sắt hoặc bằng đồng ở chỗ thắt eo thì chuyên dùng đựng gạo cúng Thần Lúa.
Với loại quả bầu dài, cắt một phần làm vụt rót gạo. Quả già, vỏ dày, có nhét xơ mướp bên trong được dùng để nấu cơm, đồ xôi; có quả dùng để bầu đựng thức ăn cho gà. Còn có quả dùng để đựng thuốc hút; quả có khoét rỗng trên thân bầu và vài lỗ thông hơi dùng để nuôi chim cảnh giống như một cái lồng, đựng mồi đi câu. Người Ê Đê cắt đôi quả bầu, các cô gái cầm vỏ bầu múa, tạo hình thác nước chảy nhẹ nhàng vào ché rượu cần để mời khách uống rượu.
Quả bầu được đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên dùng để chế tác đàn goong. Ảnh: Tấn Vịnh
Quả bầu gắn bó với người phụ nữ dân tộc thiểu số bởi nó là vật dụng cần thiết trong lao động, sinh hoạt đời thường và lễ hội. Chỉ cần nhìn vào gian bếp ở mỗi gia đình cũng đủ thấy vai trò của quả bầu khô trong đời sống của người miền núi.
Đối với đồng bào, quả bầu là dụng cụ để đựng và lấy nước ăn thích hợp nhất. Ngày nào, người phụ nữ cũng có vài chuyến cõng nước, lúc sáng sớm trước khi đi làm hoặc chiều tối sau khi đi rẫy về. Các chị, các mẹ đưa quả bầu vào dòng nước tuôn chảy ra từ các ống tre ở bến nước và đặt vào gùi cõng về nhà. Hình ảnh gùi nước trên lưng rất đỗi thân quen, gợi nét đẹp nữ tính của phụ nữ miền sơn cước.
Có thể nói, quả bầu là nguyên liệu được bà con sáng tạo ra nhiều vật dụng hữu ích trong gia đình, là tặng vật kỳ diệu của tạo hóa dành cho con người miền núi. Quả bầu chẳng những có tạo hình tự nhiên khá đẹp mà còn được gia cố, thêm thắt vài chi tiết để tăng giá trị thẩm mỹ. Đó là những quả bầu được thắt bằng vòng mây hoặc đựng trong giỏ mây, quả bầu được khắc hoa văn trang trí.
Và, nếu để tâm ta sẽ thấy, trong muôn vàn âm thanh, giai điệu núi rừng không thể không kể đến quả bầu khô. Bầu là nguyên liệu chính để chế tác các nhạc cụ độc đáo của nhiều tộc người. Thân quả bầu gắn trên mỗi nhạc cụ là nơi kết lắng âm thanh với chức năng cộng hưởng, khuếch âm.
Quả bầu còn đi vào thơ ca, tục ngữ, làm giàu cho ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói của đồng bào. Còn trong kho tàng truyện cổ, loại quả này là biểu tượng về tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.
TẤN VỊNH
Nguồn: Báo Gia Lai