A Yăo- Nghệ nhân đa tài
Đến làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà), không khó để hỏi thăm đường đến nhà nghệ nhân A Yăo (60 tuổi). Ông là người có khả năng chơi và sáng chế được nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, ông còn nổi tiếng là một người đan lát giỏi và tâm huyết với việc truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Chúng tôi đến thăm nghệ nhân A Yăo khi ông đang ngồi trước nhà để đan lát một số vật dụng trong gia đình. Ngoài những lúc lên rẫy, hàng ngày ông vẫn duy trì việc đan lát như một niềm đam mê đã ăn sâu vào máu của mình. Ngày nào không làm, ông cảm thấy như thiếu thiếu một điều gì đó.
Phía trong căn nhà, nghệ nhân A Yăo treo và cất giữ nhiều vật dụng bằng tre, mây mà ông tự đan và một số loại nhạc cụ dân tộc phổ biến như ting ning, kơ ni... Vừa làm việc và trò chuyện với chúng tôi, ấy vậy chẳng mấy chốc mà ông đã hoàn thiện tấm mây tre còn dang dở qua đôi tay điêu luyện của mình.
Nghệ nhân A Yăo kể rằng, ông sinh ra và lớn lên tại làng từ nhỏ trong một gia đình có nhiều người là nghệ nhân nổi tiếng. Cha ông lại là một người đan lát giỏi nên đã truyền nghề cho ông từ rất sớm. Sau này khi lớn lên, với vốn nghề sẵn có được cha truyền lại cùng với sự đam mê, chịu khó, ham học hỏi của mình, ông đã được các nghệ nhân trong làng chỉ bảo thêm nhiều môn nghệ thuật và nghề truyền thống khác.
Nghệ nhân A Yăo giới thiệu một số vật dụng đan lát bằng mây bền và đẹp. Ảnh: H.T
Nghệ nhân A Yăo bộc bạch, từ nhỏ đã được cha căn dặn là phải biết và thạo nghề truyền thống như một công việc để mưu sinh và để tiếp nối cha ông. Tuy được cha truyền nghề từ nhỏ nhưng mãi đến năm 14 tuổi ông mới bắt đầu đam mê với nghề. Chính đam mê đã thôi thúc ông tự mày mò, học hỏi các nghệ nhân khác trong làng và không lâu sau ông đã thành thạo nhiều nghề như đan lát, chơi chiêng, nhạc cụ.
Cặm cụi đan lát một lúc, ông A Yăo nghỉ tay và lấy ra một số vật dụng bằng mây tre đang sử dụng trong gia đình để giới thiệu cho chúng tôi. Ông cho biết, các vật dụng này đã được sử dụng nhiều năm nay nhưng chưa hề hư hỏng gì vì chúng được làm bằng cây mây già nên bền và đẹp lâu. Còn hiện tại, các sản phẩm ông đan chủ yếu bằng lồ ô và tre vì nguyên liệu mây đã hiếm, khó tìm hơn trước.
“Sản phẩm đan lát sử dụng nguyên liệu mây mới đúng truyền thống của dân tộc. Nhưng vì nguyên liệu này đang khan hiếm dần, các nghệ nhân đan lát giờ chuyển sang dùng nguyên liệu dễ kiếm hơn như tre, lồ ô, sợi nhựa tổng hợp. Giá bán các vật dụng vì thế cũng rẻ hơn trước nhiều” – ông A Yăo cho biết.
Nghệ nhân A Yăo cho biết, học nghề đan lát cần phải chịu khó thì mới có thể nắm vững các kỹ thuật đan lát truyền thống và tự tay đan những vật dụng cần thiết cho gia đình mình dùng. Với các sản phẩm đan lát, mỗi loại có kiểu dáng, kích cỡ và chức năng sử dụng khác nhau, phải nắm vững thì mới có thể làm ra được sản phẩm đẹp và chất lượng. Nghề đan lát là công việc đã giúp ông có thêm thu nhập và trang trải cho cuộc sống gia đình.
Ngoài đan lát, nghệ nhân A Yăo còn nổi tiếng với khả năng âm nhạc, có thể biểu diễn đàn, hát thành thạo nhiều loại nhạc cụ, vì thế ông thường xuyên tham gia vào các lễ hội lớn nhỏ tại địa phương. Ông A Yăo có thể chơi và chế tác, sửa chữa được nhiều loại nhạc cụ như t’rưng, ting ning, klông pút, cồng chiêng…Ông từng đạt giải nhất tiết mục biểu diễn đàn ting ning tại Liên hoan đàn, hát dân ca và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Kon Tum được tổ chức tại huyện Đăk Hà.
Nghệ nhân A Yăo chia sẻ, tình yêu với nhạc cụ truyền thống đã ngấm vào máu thịt ông từ lúc nhỏ. Lúc ấy, ông thường theo các cụ già trong làng để học hỏi từ những việc nhỏ nhất như tìm nguyên liệu đến cách đục, đẽo, vót những ống tre, ống nứa để làm đàn. Bằng đam mê và tự học, khi lớn lên, hầu hết các nhạc cụ ông đều có thể chơi và hòa tấu được với các nghệ nhân khác.
“Khi còn nhỏ, mỗi khi thấy làng có lễ hội, tôi rất thích đến xem mọi người đánh cồng, đánh chiêng, chơi các loại nhạc cụ và bị hấp dẫn bởi những âm thanh ấy. Nghe nhiều thành quen và được các nghệ nhân để ý rồi chỉ dạy tận tình, chẳng mấy mốc mà tôi đã thạo nghề”- nghệ nhân A Yăo cho biết.
Nghệ nhân A Yăo luôn sẵn sàng truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ảnh: HT
Ý thức được sự quan trọng của những nghề truyền thống, nghệ nhân A Yăo còn dành nhiều tâm huyết để truyền dạy nghề cho lớp trẻ trong làng. Với kiến thức, kinh nghiệm của mình, ông đã giúp nhiều trẻ em trong làng khơi dậy niềm đam mê và yêu thích với nghề truyền thống. Mỗi khi có dịp lễ hội, ông đều cùng các nghệ nhân khác hướng dẫn, tập luyện cho các lớp trẻ trong làng nhiều tiết mục hay và đặc sắc.
Vào những ngày cuối tuần hoặc những dịp lễ hội, khi bà con dân làng tụ họp đông đủ, bên cạnh việc biểu diễn, ông A Yăo thường gọi những đứa trẻ tập trung lại để xem ông và các nghệ nhân khác biểu diễn và hướng dẫn kỹ thuật ngay tại chỗ. Ông cho rằng việc truyền nghề như vậy để nhắc nhở thế hệ con cháu, dân làng biết yêu nghề, giữ nghề truyền thống mà ông cha để lại.
“Tôi tham gia nhiều đội nghệ nhân trong làng để biểu diễn trong các ngày hội, liên hoan do huyện, tỉnh tổ chức và phục vụ du khách khi đến với làng. Ngoài biểu diễn, chúng tôi cũng luôn ý thức truyền nghề lại cho thế hệ trẻ để nghề truyền thống không bị mai một” – nghệ nhân A Yăo chia sẻ.
Anh A Phong- Trưởng thôn Kon Trang Long Loi cho biết, ông A Yăo là một nghệ nhân gạo cội của làng và đa tài, thành thạo nhiều nghề truyền thống, có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương. Đặc biệt, nghệ nhân A Yao cũng là hộ gia đình gương mẫu tại thôn, gia đình nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa.
Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân A Yăo mong muốn, trong thời gian tới, các cấp, các ngành ở địa phương cần mở nhiều hơn những lớp nghề truyền thống để khơi dậy phong trào học nghề trong lớp trẻ, qua đó gìn giữ và phát huy được nghề truyền thống. Bên cạnh đó, cần quan tâm, hỗ trợ kết nối tìm đầu ra cho các sản phẩm truyền thống, trong đó có sản phẩm đan lát để bà con có thể sống được với nghề.
Nghe cách ông trò chuyện và kể về nghề, ngắm nhìn những sản phẩm truyền thống độc đáo được ông làm ra từ đôi bàn tay khéo léo, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê nhiệt huyết với nghề và khát khao được truyền, giữ nghề của nghệ nhân A Yăo. Hi vọng rằng, ông sẽ giữ mãi tình yêu với nghề và tích cực tham gia truyền dạy lại cho thế hệ trẻ của làng để văn hóa truyền thống không bị mai một.
HOÀNG THANH
Nguồn: Báo Kon Tum online