Xây dựng Măng Đen trở thành động lực phát triển du lịch cả nước
Với những lợi thế về khí hậu, thiên nhiên, phong cảnh, giá trị văn hóa, lịch sử, thời gian qua, du lịch Măng Đen (Kon Plông) đã có sự phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số1492/QĐ-TTg, ngày 29/11/2023 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045, càng tạo điều kiện cho Măng Đen phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.
Xác định phát triển du lịch là một trong những lợi thế lớn của huyện, thời gian qua, huyện Kon Plông đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đầu tư các nguồn lực để thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU “về đẩy mạnh phát triển khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông đến năm 2025”. Nhờ vậy, đầu tư phát triển du lịch ở Măng Đen nói riêng, huyện Kon Plông nói chung ngày càng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; kết cấu hạ tầng được đầu tư dần hoàn thiện, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư lớn đến đầu tư, gắn bó với huyện lâu dài, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Kon Plông tổ chức các hoạt động ngày lễ tết thu hút khách du lịch. Ảnh: HN
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 7 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận; có 70 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở nhiều loại hình khác nhau như: resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ, trong đó, có hơn 800 phòng nghỉ, đảm bảo phục vụ cho khoảng 4.500 khách lưu trú, nghỉ dưỡng mỗi ngày. Công suất sử dụng các phòng đạt 80% đến 90% trở lên. Thời điểm các kỳ nghỉ lễ, công suất sử dụng phòng thường ở mức 100%. Số lượng khách du lịch đến Măng Đen tăng dần qua các năm. Từ năm 2016 đến nay, khu du lịch sinh thái Măng Đen đón 2.118.220 lượt khách, trong đó, có 2.089.155 lượt khách nội địa và 29.065 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch giai đoạn 2016-2022 đạt khoảng 370 tỷ đồng. Nhất là trong 3 năm trở lại đây, nguồn thu từ du lịch tăng đáng kể góp phần tích cực vào nguồn thu chung của huyện; Năm 2020, doanh thu 40 tỷ đồng, năm 2021 thu 25 tỷ đồng, năm 2022 thu 180 tỷ đồng, năm 2023 thu hơn 170 tỷ đồng và thu hút hơn 1 triệu lượt khách du lịch.
Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và là tiền đề quan trọng để Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2021-2025 và thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 18/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Khách du lịch thích thú chụp ảnh cùng mai anh đào ở Măng Đen. Ảnh: HN
Đặc biệt, mới đây, ngày 29/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1492/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045 đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng, càng tạo điều kiện cho Khu du lịch Măng Đen đạt các tiêu chí của Khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kon Plông nói riêng và của tỉnh Kon Tum nói chung.
Để thực hiện mục tiêu mà Quyết định số 1492/QĐ-TTg đề ra: “Xây dựng và phát triển Khu du lịch Măng Đen trở thành một trong những động lực phát triển du lịch cả nước. Phấn đấu đến năm 2045, Khu du lịch Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực, với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực”, trong thời gian tới, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, huyện Kon Plông tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; vận dụng cơ chế, chính sách, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, có bản sắc riêng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Hà Nam
Nguồn Báo Kon Tum - Đăng ngày 17/1/2024