Phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, tỉnh ta tập trung đầu tư hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm tạo bước đột phá trong ngành “công nghiệp không khói”. Qua đó, du lịch của tỉnh có những tín hiệu khởi sắc, góp phần tạo việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội và thu hút, kết nối, đa dạng hóa các loại hình du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu thúc đẩy du lịch phát triển là một hướng đi mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm để phát triển “kinh tế du lịch”.
Theo đó, tỉnh ta triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như ưu tiên nâng cấp giao thông, cơ sở lưu trú và các điểm đến du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở nhiều loại hình như du lịch sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm nông nghiệp và khám phá văn hóa truyền thống; tăng cường quảng bá, xúc tiến, ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động du lịch; liên kết tour tuyến và nâng cao trải nghiệm của du khách; chủ động gặp gỡ, kết nối, thu hút các tập đoàn lớn với tiềm lực mạnh để triển khai các dự án du lịch trọng điểm.
Nhờ những giải pháp được triển khai đồng bộ đã giúp không gian du lịch của tỉnh không ngừng mở rộng theo tiềm năng, lợi thế, hình thành đa dạng các loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.
Khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa ẩm thực để phát triển du lịch. Ảnh: H.T
Trong đó, đã hình thành và khai thác có hiệu quả 4 không gian du lịch trọng tâm của tỉnh. Như khu vực 1 gồm: Thành phố Kon Tum và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối huyện Đăk Hà, Kon Rẫy và các huyện khác; khu vực 2 gồm: trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi- Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y) kết nối các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy và Đăk Tô; khu vực 3 gồm có trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng Đen và Khu Du lịch Măng Đen); khu vực 4 có khu bảo tồn, núi Ngọc Linh (huyện Đăk Glei và huyện Tu Mơ Rông) và các khu vực vệ tinh (gồm các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô).
Ngoài ra, chính quyền các cấp của tỉnh chỉ đạo, phối hợp các ngành chức năng từng bước đưa vào khai thác hiệu quả đối với các không gian du lịch, vui chơi giải trí, kinh tế ban đêm tại thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông, Đăk Hà và một số địa phương khác.
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh tiến hành công nhận 4 điểm du lịch và 1 khu du lịch cấp tỉnh, nâng tổng số điểm du lịch được công nhận lên 14 điểm. Ngoài ra cấp phép hoạt động 6 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch; 3 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; cấp mới, cấp đổi, cấp lại 28 thẻ hướng dẫn viên du lịch; 219 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
Tỉnh còn quan tâm chỉ đạo bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để triển khai xây dựng hạ tầng kinh doanh dịch vụ du lịch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo quỹ đất, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, chất lượng. Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng các khu dịch vụ du lịch phức hợp, du lịch sinh thái, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.
Phát huy tiềm năng, lợi thế có sẵn, nhiều địa phương của tỉnh triển khai hiệu quả công tác thu hút đầu tư, phát triển du lịch ở nhiều loại hình.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng từ văn hóa bản địa. Ảnh: HT
Tiêu biểu như Dự án Khu du lịch sinh thái rừng thông tại thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô); Dự án Khu du lịch sinh thái tắm bùn, nghỉ dưỡng thác Đăk G’Lung (xã Kon Đào, huyện Đăk Tô); Dự án Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm vườn dược liệu sâm Ngọc Linh tại xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông); Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp thương mại, dịch vụ trung tâm huyện Tu Mơ Rông; Dự án Du lịch sinh thái thác Tea Prông ở xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông).
Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông) là vùng trọng điểm, điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh, hướng đến trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của vùng Tây Nguyên, mang tầm cỡ Quốc gia. Khu du lịch sinh thái Măng Đen đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt mở rộng quy hoạch đến năm 2045 với quy mô lên hơn 90.000 ha.
Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song thẳng thắn nhìn nhận thì lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn đối diện với một số khó khăn như hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; công tác quản lý du lịch có nơi còn thiếu nhất quán, chưa hiệu quả; nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng chưa được triển khai hiệu quả, tạo điểm nhấn cho du khách.
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có lượng du khách đến tỉnh đạt 2,5 triệu lượt người, năm 2030 đạt 3,5 triệu lượt người; tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ, du lịch đến năm 2025 chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh và chiếm khoảng 15% GRDP đến năm 2030.
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch thông minh. Đồng thời, quan tâm các giải pháp bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa và hợp tác liên kết vùng, xem đây là yếu tố then chốt giúp du lịch Kon Tum phát triển bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp kêu gọi đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có uy tín, năng lực vào các dự án du lịch trọng điểm; triển khai hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý để tránh đầu tư dàn trải, tập trung vào các khu vực có tiềm năng cao; xây dựng cơ chế thu hút đầu tư minh bạch, hấp dẫn, đảm bảo tính cạnh tranh trong khu vực.
Với sự quyết tâm và định hướng rõ ràng, du lịch tỉnh hứa hẹn sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Qua đó, trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Hoàng Thanh
Nguồn: Báo Kon Tum (Đăng ngày 02/04/2025)