Ia H’Drai: “Đánh thức” tiềm năng mặt nước đưa du lịch phát triển
Huyện Ia H’Drai có đặc thù địa hình đồi dốc xen lẫn hệ thống sông, hồ tạo nên “bức tranh” cảnh vật nơi đây hiền hòa, thơ mộng rất phù hợp để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, tạo thành điểm đến có sức hút đối với du khách gần xa.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện Ia H’Drai có lòng hồ Thủy điện Sê San 4 trải dài khoảng 60km, với diện tích mặt nước gần 5.000ha. Đây là khu vực có mặt nước ổn định, nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào với nhiều loại cá đặc sản, tạo điều kiện để người dân phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Hiện, trên địa bàn huyện phát triển 120 lồng nuôi thủy sản, 84 bể nuôi cá trên cạn tại khu vực xung quanh lòng hồ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng của huyện đạt 219 tấn, sản lượng khai thác đạt 45 tấn. Trên Lòng hồ Thủy điện Sê San 4 có nhiều gò, “đảo nhỏ” với vẻ đẹp kỳ vĩ, hấp dẫn; xung quanh lòng hồ và các “đảo nhỏ” này thích hợp trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế như sầu riêng, cam, bưởi, na, dừa, chôm chôm... Đây là những điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan, dã ngoại và trải nghiệm.
Với lợi thế về lòng hồ, thiên nhiên tươi đẹp, huyện Ia H’Drai đang tập trung khai thác, phát triển du lịch. Ảnh: N.T
Xác định những lợi thế trên, thời gian qua, UBND huyện Ia H’Drai triển khai quy hoạch thành lập khu dân cư làng chài Sê San 4 ( thuộc thôn 7, xã Ia Tơi) với gần 40 hộ dân sinh sống; đầu tư kéo điện lưới, hỗ trợ xây dựng nhà, xây dựng bến tàu, thuyền, quy hoạch vườn cây ăn trái, trồng hoa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp để từng bước khai thác, phát triển du lịch. Cùng với đó, chính quyền địa phương tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đến khảo sát, tìm hiểu, khai thác du lịch tại địa phương; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch tại làng chài Sê San 4 nhằm nâng cao chất lượng du lịch.
Thời gian qua, các đơn vị, cá nhân làm du lịch đã triển khai, cung cấp được một số các sản phẩm du lịch hấp dẫn như chương trình tham quan làng chài Sê San và Thác Mơ (địa phận tỉnh Gia Lai), trải nghiệm ngắm bình minh, tham gia đánh bắt cá trên lòng hồ Sê San, thưởng thức các món ăn đặc sản từ nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản lòng hồ Sê San... Qua đó, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động du lịch tại làng chài Sê San 4 nói riêng và tại địa phương nói chung.
Với định hướng đúng và cách làm hiệu quả, mô hình du lịch làng chài Sê San gắn với bảo tồn nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Sê San 4 của huyện Ia H’Drai đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh lựa chọn làm điểm trong xây dựng Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, huyện Ia H’Drai chú trọng bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn để tạo sự đa dạng và tăng sức hấp dẫn cho du lịch địa phương; thu hút du khách đến với Ia H’Drai ngày càng nhiều.
Theo đó, năm 2023, huyện Ia H’Drai thu hút được khoảng 3.500 lượt khách du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến huyện đạt 3.350 lượt người, tăng 52,27% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoạt động du lịch trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: NT
Trong kế hoạch phát triển du lịch của huyện Ia H’Drai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc “đánh thức” tiềm năng mặt nước, đưa du dịch phát triển du lịch nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển và giúp người dân có thêm thu nhập tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Thời gian tới, huyện Ia H’Drai tiếp tục nâng cấp, phát triển điểm du lịch làng chài Sê San 4 gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung tổ chức lại không gian lãnh thổ phù hợp với tiêu chí về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, nước sạch; xây dựng điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải… một cách đồng bộ, đảm bảo phục vụ nhu cầu của khách du lịch, hài hòa với không gian, đặc trưng văn hóa của địa phương.
Huyện Ia H’Drai cũng phấn đấu, xây dựng thêm ít nhất 4 sản phẩm du lịch mới, bao gồm hoạt động tham quan du lịch sinh thái trên các gò đảo lòng hồ Sê San gắn với bảo tồn các loại động vật hoang dã, các loài cá nước ngọt quý, hiếm; tham quan du lịch vườn hoa, vườn cây ăn quả; du thuyền độc mộc trên dòng Sê San và thưởng thức các sản phẩm OCOP tại làng chài Sê San. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái; xây dựng và định vị thương hiệu điểm đến du lịch làng chài Sê San 4.
Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở cơ sở, người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở làng chài Sê San 4 nhằm xây dựng du lịch địa phương theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện.
Có thể nói, dù “đi sau” về du lịch, nhưng nhờ xác định đúng thế mạnh cùng các giải pháp phù hợp trong việc khai thác lợi thế về thiên nhiên, mặt nước; lĩnh vực “kinh tế xanh” của huyện Ia H’Drai đã tạo được những dấu ấn riêng, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Báo Kon Tum - Đăng ngày 03/07/2024
Ngọc Thắng