Du lịch nông nghiệp – Hướng đi mới và bền vững của du lịch Kon Tum
Kon Tum vùng đất nằm ở phía bắc cao nguyên Trung phần, có bề dày về văn hóa của các cộng đồng dân tộc địa phương; về lịch sử hơn 100 năm với truyền thống anh hùng cách mạng, với những di tích lịch sử lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến, với những danh thắng nổi tiếng và cũng là nơi được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu ôn hòa và thổ nhưỡng đa dạng. Cộng đồng các dân tộc nơi đây luôn cần cù, sáng tạo và đã tạo ra nhiều sản vật đặc trưng. Nhờ đó, ngày nay chúng ta có cơ hội để phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Từ vùng đất đỏ ba-zan huyện Kon Plông
Du lịch nông nghiệp đã được hình thành và phát triển ở các nước châu Âu từ khá lâu, tiếp đến là một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Ở Việt Nam, những năm gần đây du lịch nông nghiệp cũng bắt đầu phát triển ở một số địa phương như Lâm Đồng, Quảng Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Vai trò của du lịch nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể phát triển du lịch trong điều kiện mới của Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng, đặc biệt là trước những biến đổi về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, trước những thay đổi về cơ cấu trong nông nghiệp nông thôn hiện nay mà người dân vùng Kon Plông đang phải gánh chịu. Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là yếu tố quyết định sự tồn tại của mô hình du lịch mới.
Du lịch nông nghiệp đang dần được quan tâm rộng rãi tại Kon Plông và trong tương lai có thể sẽ trở thành loại hình du lịch chủ chốt trong công cuộc phát triển nông nghiệp nông thôn, nhất là công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn mới, góp phần giảm nghèo, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người dân sinh sống tại những vùng quê, chủ yếu làm nghề nông nghiệp.
Kon Plông chẳng những được thiên nhiên ưu ái về khí hậu mà còn là một vùng đất ba - zan màu mỡ thích ứng cho các loại cây rau hoa xứ lạnh - một hình thức canh nông trong giai đoạn mới mặc khác để tiến hành cho công cuộc hiện đại hóa về về nông nghiệp thôn, nơi đây đã hình thành các trang trại về nông nghiệp rau, hoa và các dược liệu kết hợp với tham quan du lịch.
Đến tham quan Công ty TNHH thương mại - du lịch Thiện Mỹ tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông du khách sẽ cảm nhận sự thoải mái và dễ chịu từ không khí trong lành, khí hậu mát mẻ, không gian xanh và đặc biệt là các loại cây, rau, hoa, quả xứ lạnh và nổi bật nhất là vườn dâu tây. Với kỹ nghệ trồng trọt mới, vườn dâu tây nơi đây không sử dụng các loại thuốc và phân hóa học nên được gọi là sản phẩm sạch, vừa phục vụ du khách vừa phân phối cho các siêu thị trong nước.
Du khách check in tại Thiện Mỹ Farm của Công ty TNHH Thương mại- Du lịch Thiện Mỹ, Măng Cành- Măng Đen- Kon Plong. (Ảnh: Minh Đức)
Đến xứ sở của ruộng lúa, vườn rau tại thành phố Kon Tum
Khác với vùng đất ba-zan tại huyện Kon Plông, thành phố Kon Tum đã nổi tiếng với các địa danh Phương Nghĩa, Phương Hòa, Phương Quý, Kon Tum Kơ Pâng, Kon Tum Kơ Nâm … Với kinh nghiệm canh tác lâu đời của nhà nông, nhà vườn, nơi đây là vựa lúa, vựa rau đã cung cấp nguồn lương thực cho các tỉnh, thành. Cùng với việc sản xuất ra hạt lúa và rau xanh, trong thời gian gần đây đã kết hợp phát triển du lịch nhất là du lịch nội địa.
Đến với thành phố Kon Tum, ngoài những thắng cảnh nổi tiếng như Ngục Kon Tum, Bảo tàng tỉnh, Nhà thờ Gỗ, Tòa giám mục, cầu treo Kon Kơ Lor, Làng văn hoá du lịch Kon Kơ Tu…không thể bỏ qua các cánh đồng bạt ngàn vào mùa lúa chín và các nhà vườn chuyên sản xuất rau xanh mà còn là những cảnh đẹp để du khách chiêm ngưỡng, chụp hình và trải nghiệm với kỹ năng của nghề canh nông của thành phố Kon Tum.
Lượng du khách đến với thành phố Kon Tum hầu như đều được các công ty lữ hành trong tỉnh như Công ty du lịch Hải Vân, Công ty Du lịch Ngọc Linh, Công ty Du lịch Miền Cao…đã xây dựng trong chương trình tour của đơn vị dành cho du khách thưởng ngoạn, yêu thích mô hình du lịch nông nghiệp. Mặc dù trong năm 2020 do ảnh hưởng của 2 đợt dịch Covid -19 nhưng trong những dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu, lượng khách du lịch đến với Kon Tum khoảng 115.000 lượt tăng 39,1% so với cùng kỳ Tết Canh Tý 2020.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tái bùng phát từ cuối năm 2020, dự ước quý I năm 2021 tổng lượt khách du lịch ước đạt 51.375 lượt, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 51,832 tỷ đồng (bằng 45% so với quý 1/2020). Đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh đã có những chuyển biến tích cực, các Công ty lữ hành đã kết nối đưa được lượng khách du lịch đến với Kon Tum đặc biệt là Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen.
Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra các giải pháp phù hợp để khởi động tái kích cầu du lịch đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa hướng tới sự kỳ vọng về doanh thu cho ngành du lịch, vừa tuân thủ nghiêm, chặt chẻ theo qui định về phòng chống dịch bệnh Covit-19 theo qui định. Đáng mừng là trong hai đợt bùng phát dịch Covid-19, ở Kon Tum chưa ghi nhận ca lây nhiễm nào trông cộng đồng, các điểm du lịch vẫn đảm bảo an toàn cho khách nội địa trong những tháng đầu của năm 2021.
Trọng tâm của hoạt động tái kích cầu cơ bản đã đề xuất những giải pháp quan trọng, trong đó du lịch nông nghiệp hướng về nông thôn và du lịch cộng đồng được ưu tiên, khuyến khích. Hiện ngành du lịch đang chỉ đạo các điểm đến đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông để du khách luôn có được cảm giác yên tâm, thích thú.
Cánh đồng lúa Phương Hòa, thành phố Kon Tum mùa trổ bông (Ảnh: Minh Đức)
Và để phát huy hiệu quả, ngành du lịch đang tập trung vào việc đề xuất cơ chế, chính sách cho loại hình du lịch nông nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nông nghiệp bằng cách thu hút vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường công tác quản lý, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường…
Hiện nay, một số mô hình du lịch nông nghiệp đã được đề xuất để khai thác, phát triển và xây dựng thành các tour, tuyến, điểm. Tiêu biểu là mô hình trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tại huyện Kon Plông(Thiện Mỹ Farm, Êban Farm); tham quan mô hình trang trại cà phê và các vườn cây ăn trái tại huyện Đăk Hà; mô hình các hợp tác xã nông nghiệp tại thành phố Kon Tum với các nông trại trồng rau quả, trái cây và dược liệu quý hiếm cũng đang thu hút du khách.
Trong Thông điệp Ngày Du lịch thế giới năm 2020 (27/9), Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili khẳng định: “Đưa phát triển nông thôn trở thành trọng tâm của các chính sách du lịch thông qua giáo dục, đầu tư, đổi mới sáng tạo và công nghệ có thể chuyển đổi sinh kế cho hàng triệu người, bảo vệ môi trường và văn hóa của chúng ta”./.
Vũ Hoàng Lê