Đảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban NguyễnĐảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban Nguyễn
Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5
Thác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang VũThác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang Vũ
Tiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế ĐứcTiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế Đức
Lợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn BanLợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn Ban
Hoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh TrungHoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh Trung
Nét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy ĐằngNét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy Đằng

Du khách thứ 1 triệu


Ngày đăng: 05-01-2024

Du lịch Kon Plông, hay chính xác hơn là du lịch Măng Đen vừa tưng bừng đón du khách thứ 1 triệu trong năm 2023. Đây thật sự là một con số đẹp như mơ.

Ngày 30/12/2023, ngay trước thềm năm mới,  tại Không gian Văn hóa “Thiên đường Tây Nguyên Măng Đen”, lãnh đạo UBND huyện Kon Plông, đại diện Hội du lịch Măng Đen cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chúc mừng và tặng quà cho vị khách thứ 1.000.000 đến Khu du lịch sinh thái Măng Đen trong năm 2023.

Phải nói rằng, đây thực sự là con số đẹp như mơ. Nó cũng cho thấy vai trò “đầu tàu” của Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đối với du lịch tỉnh ta.

Bởi theo ước tính, đến cuối năm 2023, tổng lượt khách đến tỉnh đạt trên 1,13 triệu lượt người (trong đó khách quốc tế đạt trên 3,1 nghìn lượt), nhưng riêng Măng Đen đã đón 1 triệu lượt khách.

Lãnh đạo huyện Kon Plông tặng quà vị khách thứ 1 triệu đến Măng Đen trong năm 2023. Ảnh: TH

Ngắm vị khách thứ 1 triệu tươi cười đón nhận món quà từ tay Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đặng Quang Hà, tôi chợt nhớ lại một Kon Plông xa xôi, cách trở, một Măng Đen với những nốt trầm buồn ngày nào.

Đọng trong ký ức của tôi là những chuyến công tác lên Măng Đen sau khi huyện Kon Plông được thành lập (năm 2002, trên cơ sở chia tách huyện Kon Plông cũ thành 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy).

Ngày ấy, Măng Đen buồn hiu hắt với vài nhà nghỉ bình dân, vỏn vẹn chiếc giường và một cái bàn con trong căn phòng trống. Những con đường heo hút, vắng bóng người, bóng xe. Khách làm việc xong, xuôi về Kon Tum ngay trong đêm là chuyện thường.

Đêm về, muốn lai rai chút đỉnh với bạn bè phải tìm mỏi chân mới thấy một quán ăn còn mở cửa. Cái lạnh vùng cao giữ chân cư dân ở trong nhà, thi thoảng mới nghe được tiếng động cơ xe vụt qua.

Dăm ba quán xá tập trung ở gần ngã ba, ngay đầu con dốc, nơi bây giờ là chợ, trong đó có quán cơm bà Năm mà chúng tôi hay ghé. Núi rừng xung quanh như một cái hộp khổng lồ nhốt chặt Măng Đen vào ngã ba duy nhất này, nơi người dân tìm thấy thứ cần mua sắm.

Người ta nói, ôn cũ để biết mới, nhắc lại vài chuyện cũ để thấy quý những gì đã có và đang có hôm nay ở vùng đất từng nổi danh bởi 3 “đặc sản” là “ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen” này, thêm trân trọng nỗ lực và ý chí vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kon Plông.

Ngày 5/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 298/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030.

Du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ ở Măng Đen. Ảnh: TH

Trong một lần trò chuyện sau đó, anh Nguyễn Đức Tuy- Bí thư Huyện ủy Kon Plông (nay là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy) từng chia sẻ những dự định phát triển du lịch đang ấp ủ.

Trong đó, anh có nói vui rằng mình đang mơ ước về một ngày du khách khắp nơi biết đến Măng Đen, tìm đến Măng Đen. Và một ngày nào đó, Măng Đen sẽ đón cả triệu lượt khách trong năm. 

Không ai tin vào phép lạ, nhưng tin rằng thời gian cùng ý chí và nghị lực của con người có thể làm thay đổi một vùng đất. Đúng 10 năm để mơ ước ấy thành hiện thực.

Trong nhiều năm qua, bất cứ khi nào được bạn bè hỏi về du lịch Kon Tum, tôi đều tư vấn nhiệt tình rằng, “Kon Tum của tôi” có rất nhiều nơi đáng đến, trong đó có Măng Đen. Và nhiều người đã theo tư vấn của tôi.

Sau khi bạn bè về, tôi đều hỏi thăm họ về chuyến đi để biết góc nhìn của họ với du lịch Măng Đen nói riêng, Kon Tum nói chung. Một sự thật là nhận xét của họ ngày càng tích cực hơn. Họ hào hứng kể về những ấn tượng trong chuyến đi.

Đơn cử như chuyện lưu trú. Nếu như trước đây, bạn bè tôi chỉ khen về cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, phong cảnh đẹp, không khí trong lành. Nhưng sau khi dạo một vòng thì lại lần lượt “về xuôi”, như “chạy trốn” khỏi những lặng vắng của Măng Đen.

Ở lại? Măng Đen có gì vui? Ở lại đêm lại càng buồn- họ xin lỗi tôi trước khi nói lên điều này. Nhưng bây giờ, nếu ai nói ra câu ấy chắc chắn sẽ bị “cười vào mũi”.

Măng Đen vẫn là nàng sơn nữ lộng lẫy pha chút hoang dại, với núi và mây, những con đường men theo núi, rừng thông rì rào trong sương sớm, nhưng du khách đã có thể hài lòng với hạ tầng hiện đại, với nhiều khách sạn, nhà hàng, biệt thự ven đồi, trung tâm giải trí, homestay đã và đang được xây dựng; một số địa điểm, sản phẩm, dịch vụ du lịch đã hình thành và khai thác có hiệu quả.

Lãnh đạo địa phương và người dân cũng rất biết “chiều lòng” du khách, thông qua việc triển khai có hiệu quả những chính sách, giải pháp cụ thể nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc tại chỗ, để thúc đẩy du lịch.

Tất nhiên là đâu đó vẫn có những lời phàn nàn về việc hàng hóa, dịch vụ ở Măng Đen tăng giá vào những dịp thu hút khách du lịch, từ ly cà phê, lon nước tăng lực, các món ăn, đến giá phòng khách sạn, homestay; về thái độ ứng xử của người dân, người cung cấp dịch vụ.

Nhưng khách quan mà nói, ngành du lịch tỉnh nói chung, Kon Plông nói riêng đang không ngừng cố gắng nỗ lực, đã phát triển vượt bậc. Và ai cũng nhìn thấy điều đó.

Sau du khách thứ 1 triệu, tôi tin rằng Kon Plông sẽ có đủ tự tin để hoạch định mục tiêu cao hơn, như 1,2 triệu hay 1,3 triệu lượt khách trong năm 2024 chẳng hạn.

Tất nhiên, điều này là không dễ dàng trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Nhưng vấn đề là chúng ta dám nghĩ tới và quyết tâm làm hay không.

“Vốn liếng” của Măng Đen, ngoài tiềm năng cảnh quan thiên nhiên và bẳn sắc văn hóa, còn cần không ngừng cố gắng đổi mới, sáng tạo; cần thêm sự rộng mở, cầu thị và chân thành.          

Thành Hưng

Nguồn Báo Kon Tum - Đăng ngày 05/01/2024

TIN TỨC LIÊN QUAN

Đăk Na (Kon Tum) - Nơi lưu giữ vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của núi rừng Tây Nguyên

Xã Đăk Na nằm ở phía Tây huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cách trung tâm huyện gần 40km. Toàn xã có 12 thôn, làng, với gần 100% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Với vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng và những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đã làm đắm say biết bao du khách khi đặt chân đến vùng đất này.

Kon Tum tổ chức họp báo về Tuần Văn hóa - Du lịch và Liên hoan cồng chiêng năm 2024.

Chiều ngày 19/11 tại tòa nhà A khu hành chính tỉnh Kon Tum, Ban Tổ chức Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 5 và Liên hoan Cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ 2, năm 2024 đã tổ chức buổi họp báo để cung cấp thông tin tuyên truyền, quảng bá các sự kiện tại Ngày hội.

Mùa hoa dã quỳ

Tháng Mười Một, hoa dã quỳ ở Tây Nguyên bắt đầu bung hoa khoe sắc vàng rực rỡ. Từng cánh hoa mỏng manh đung đưa trong gió khoe sắc dưới tiết trời se lạnh mới đẹp làm sao.

Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch và khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại tỉnh Đắk Lắk