Đảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban NguyễnĐảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban Nguyễn
Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5
Thác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang VũThác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang Vũ
Tiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế ĐứcTiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế Đức
Lợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn BanLợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn Ban
Hoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh TrungHoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh Trung
Nét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy ĐằngNét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy Đằng

Đặc Sắc Văn Hóa Truyền Thống Của Người Brâu


Ngày đăng: 29-09-2023

Dân tộc Brâu là 1 trong 7 DTTS tại chỗ ở Kon Tum với kho tàng văn hóa rất phong phú và đa dạng. Những năm qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng người Brâu ở thôn Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa và nỗ lực xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.

Theo già Y Pan - người có uy tín đồng thời là già làng nhiều năm tại thôn Đăk Mế kể rằng, vào năm 1991, làng Brâu truyền thống đã bị cháy và dân làng đã tìm nơi ở mới, định cư tại thôn Đăk Mế hiện tại.

Nhà rông của dân tộc Brâu tại nơi ở mới hiện đã được Nhà nước hỗ trợ phục dựng đảm bảo cuộc sống sinh hoạt cho người dân, đồng thời, gìn giữ bản sắc truyền thống. Tổng quan cấu trúc của ngôi làng mới cũng đã ít nhiều có sự thay đổi so với ngày xưa, trong đó giữa làng vẫn là nhà rông “mẹ” dùng để tổ chức các nghi lễ quan trọng, hai bên là 2 nhà rông “con” dành cho các hoạt động cộng đồng, văn hóa truyền thống. Nhà dân xung quanh được xây dựng theo ô bàn cờ, bao quanh trung tâm là các nhà rông, tạo sự thuận lợi trong sinh hoạt, gắn kết cộng đồng.

“Trước đây, làng được bố trí theo hình tổ chim đồng tâm, nhà rông ở giữa, các nhà dài nằm xung quanh, đầu nhà có cửa ra vào quay về hướng nhà rông. Nhà rông là nhà chung, có kiến trúc hình vuông, tám mái, nóc hình tháp nhọn mang biểu tượng quả bầu, có chạm khắc hình sừng trâu, là biểu tượng sức mạnh, đoàn kết và niềm tự hào của cộng đồng. Nhà ở là nhà sàn nhỏ dành cho tiểu gia đình, bao gồm 4 gian (3 gian trong và 1 gian ngoài), trong đó 3 gian trong được làm sạp cao hai bên để ngủ, ở giữa thấp hơn để đặt bếp lửa” - già Y Pan cho biết.

Theo các tài liệu nghiên cứu, Brâu (còn gọi là Brao) là DTTS ít người ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, nói ngôn ngữ Môn Khơ me, ngữ hệ Nam Á. Tổ tiên của người Brâu ở vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia và một số ít ở Việt Nam.

Người Brâu ở thôn Đăk Mế rất say mê các loại nhạc cụ, âm nhạc truyền thống. Ảnh: HT

Dân tộc Brâu là chủ nhân của nhiều giá trị văn hóa cổ truyền, đặc biệt là âm nhạc dân gian. Người Brâu không chỉ là những cư dân say mê âm nhạc, mà còn có khả năng thẩm âm và trình diễn nhiều loại nhạc cụ, đặc biệt là cồng chiêng. Cồng chiêng của người Brâu là những bộ chiêng đồng nổi tiếng với 3 loại có thang âm khác nhau là Goong, Mam và Tha.

Ngoài việc bảo tồn, lưu truyền các giá trị của cồng chiêng, người Brâu còn bảo tồn các nhạc cụ, chế tạo và sử dụng các nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là đàn klông pút. Họ còn tích cực truyền dạy cho con cháu lưu giữ các điệu nhạc dân gian, hát ru, hát mừng lễ hội, lứa đôi nên chồng vợ.

Đoàn nghệ nhân Brâu ở thôn Đăk Mế thường xuyên tham gia nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc. Ảnh: HT

Đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang của thôn Đăk Mế chụp ảnh lưu niệm tại nhà rông trung tâm của làng. Ảnh: HT

Nghệ nhân dân gian A Mưu (thôn Đăk Mế) cho biết: “Đoàn nghệ nhân của người Brâu thường xuyên phục vụ khách du lịch từ khắp mọi miền Tổ quốc. Cả thôn có 1 đội nghệ nhân cồng chiêng và 1 đội múa xoang và đang bảo quản 2 bộ cồng chiêng quý (gồm chiêng Tha và chiêng Goong)”.

Ẩm thực của người Brâu phong phú, đa dạng với nhiều món ăn hấp dẫn. Ảnh: HT

Bên cạnh âm nhạc dân gian, cộng đồng người Brâu ở thôn Đăk Mế cũng có nền ẩm thực phong phú, bao gồm đồ ăn, thức uống và đồ hút. Một số món ăn đặc trưng của người Brâu là gà nướng, cơm lam, các món ăn chế biến từ đọt mây, nguyên liệu tự nhiên đã và đang được truyền dạy, giới thiệu trong các cuộc liên hoan ẩm thực địa phương.

Điểm nhấn trong ẩm thực của người Brâu là sử dụng và kết hợp các loại gia vị tạo nên hương vị cay, chua, ngọt đặc trưng hấp dẫn và mang bản sắc tộc người. Rượu cần Brâu nổi tiếng thơm ngon, do những người phụ nữ chế biến với quy trình chặt chẽ và bí quyết riêng, tạo nên hương vị đặc trưng do men lá tạo thành, hiện đang được chú ý khôi phục, bảo tồn và quảng bá. Sản phẩm rượu ghè men lá của đồng bào Brâu đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ngoài ra, trang phục cổ truyền của phụ nữ Brâu mang nhiều đặc sắc và giá trị độc đáo. Đó là những loại váy quấn và áo ngắn tay, khoét cổ, mặc theo kiểu choàng qua đầu; của nam giới là khố, áo, tấm choàng. Trang sức của nữ giới là khuyên tai, chuỗi hạt cườm đeo ở cổ, vòng đeo tay, khuyên tai bằng xương, ngà voi hay bạc...

Già Y Pan cho biết: “Trong truyền thống, người Brâu không có nghề dệt vải. Đã có một thời người dân phải dùng trang phục được may từ vỏ cây đập dập, ngâm nước. Sau này, một thời gian dài trang phục được mua từ các tộc người khác, trong đó, váy mua từ người Lào, còn áo khố từ người Xơ Đăng, Gia Rai, Ba Na. Sau này, khi được Nhà nước hỗ trợ mở các lớp dạy nghề truyền thống, người Brâu mới biết tự tay đan, dệt những tấm thổ cẩm cho riêng mình”.

Với đặc điểm là DTTS rất ít người ở Việt Nam, người Brâu được Đảng, Nhà nước quan tâm, có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển và bảo tồn văn hóa. Đặc biệt với Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội DTTS rất ít người Brâu tỉnh Kon Tum đến năm 2025, giai đoạn 1 từ năm 2018-2020 đã hỗ trợ đầu tư sửa chữa, xây dựng nhà rông, phục hồi, tổ chức nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng người Brâu trên địa bàn tỉnh.

Bà Võ Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y cho biết: “Các chính sách hỗ trợ đã góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng người Brâu, đặc biệt có tác động tích cực với đối tượng thanh thiếu niên hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Hiện, cộng đồng người Brâu sinh sống tại thôn Đăk Mế với 174 hộ/546 khẩu (chiếm 6,4% dân số toàn xã), trong đó chỉ còn 6 hộ nghèo (chiếm 6,9% tổng số hộ nghèo toàn xã); 100% hộ dân được hỗ trợ sản xuất (cây, con giống), hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững”.

Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: “Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hành trình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Brâu trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức về nguồn lực vật chất, con người. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao vai trò của chủ thể văn hóa, vừa có tính định hướng, vừa gợi mở, tạo mọi điều kiện để cộng đồng người Brâu tại thôn Đăk Mế tiếp tục nâng cao nhận thức và chủ động tham gia hiệu quả vào các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Hoàng Thanh

Nguồn: https://www.baokontum.com.vn/

TIN TỨC LIÊN QUAN

Đăk Na (Kon Tum) - Nơi lưu giữ vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của núi rừng Tây Nguyên

Xã Đăk Na nằm ở phía Tây huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cách trung tâm huyện gần 40km. Toàn xã có 12 thôn, làng, với gần 100% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Với vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng và những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đã làm đắm say biết bao du khách khi đặt chân đến vùng đất này.

Kon Tum tổ chức họp báo về Tuần Văn hóa - Du lịch và Liên hoan cồng chiêng năm 2024.

Chiều ngày 19/11 tại tòa nhà A khu hành chính tỉnh Kon Tum, Ban Tổ chức Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 5 và Liên hoan Cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ 2, năm 2024 đã tổ chức buổi họp báo để cung cấp thông tin tuyên truyền, quảng bá các sự kiện tại Ngày hội.

Mùa hoa dã quỳ

Tháng Mười Một, hoa dã quỳ ở Tây Nguyên bắt đầu bung hoa khoe sắc vàng rực rỡ. Từng cánh hoa mỏng manh đung đưa trong gió khoe sắc dưới tiết trời se lạnh mới đẹp làm sao.

Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch và khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại tỉnh Đắk Lắk