Cơ hội cho du lịch “cất cánh”
Ngoài mục đích tạo dựng không gian kết nối văn hóa, giới thiệu, quảng bá đến công chúng về văn hóa, không gian cồng chiêng, nét văn hóa nương rẫy truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch (VH, TT&DL) các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum năm 2023 do Bộ VH, TT&DL và Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo tổ chức còn là cơ hội quý cho du lịch Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng “cất cánh”.
Tây Nguyên là một trong sáu vùng kinh tế lớn của cả nước, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Từ xa xưa, đây là vùng đất sinh sống của nhiều tộc người, và mỗi tộc người có những sắc thái văn hóa riêng, được hình thành trên những tương đồng văn hóa của vùng thống nhất trong đa dạng, tạo nên một sắc thái văn hóa mang đậm màu sắc Tây Nguyên, cấu thành nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc.
Sắc màu thổ cẩm. Ảnh: Quang Vinh
Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tỉnh trong vùng, cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên đã luôn đoàn kết, nỗ lực gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, ngày 15/11/2005, UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” có ý nghĩa to lớn đối với cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa vừa đa dạng phong phú, vừa độc đáo và giàu bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.
Ngoài giá trị của cồng chiêng, Tây Nguyên còn được mệnh danh là vùng đất sản sinh ra khá nhiều sử thi, được đồng bào Tây Nguyên lưu giữ trong trí nhớ và được diễn xướng trong các sinh hoạt cộng đồng; các lễ hội truyền thống đặc sắc của từng tộc người, nhóm người địa phương, ở từng làng.